Nghề yến không thể nhờ may rủi

BÀI HỌC TỪ MALAYSIA

Trong số 63 tỉnh thành cả nước hiện nay đã có 42 địa phương xuất hiện nhà yến. Nếu như trước đây, nhà yến chỉ xuất hiện ở các tỉnh ven biển, thì nay xuất hiện cả ở các tỉnh Tây Nguyên và Bắc bộ. Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) chưa thể thống kê con số nhà yến chính xác do sự gia tăng liên tục.

Năm 2017 có khoảng 8.300 nhà yến với hơn 10 triệu con. Sản lượng tổ yến khoảng 68 tấn (với giá 1.500-2.000USD/kg, tương đương 100-125 triệu USD). Vậy mà đến tháng 8-2019, theo báo cáo của 16/42 tỉnh có trên 11.750 nhà yến. Trong đó:

+ Khánh Hòa là tỉnh có lượng nhà yến tăng nhanh nhất với 4,9 lần;
+ Lâm Đồng (khu vực Tây Nguyên) tăng 4,6 lần;
+ Kiên Giang có lượng nhà yến nhiều nhất, với 2.025 nhà yến;
+ Bình Thuận 1.204 nhà yến;
+ Tây Ninh, tỉnh nằm sâu trong đất liền của Đông Nam bộ dù mới nhưng đã có số nhà yến tương đương TPHCM với gần 600 nhà yến; Ước tính sản lượng tổ yến hàng năm trên 100 tấn.



Sơ chế tổ yến tại huyện Cần Giờ, TPHCM

Sự phát triển quá nhanh làm cho những người am hiểu trong ngành e ngại khi liên tưởng đến quá trình phát triển nhà yến của Malaysia - đất nước mà nghề yến Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều về kỹ thuật nhà yến, tiêu thụ. Nghề yến Malaysia bắt đầu từ những năm 1980. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á 1997, nhóm người gốc Hoa từ Indonesia chuyển sang các nước láng giềng để sinh sống mang theo nghề này và trở thành những người dẫn dụ yến nhà đầu tiên ở Malaysia.

Tỷ lệ thành công lúc này rất cao nên sau đó nhà yến phát triển ngoài tầm kiểm soát. Nếu năm 1998 Malaysia có 900 nhà yến, đến năm 2006 hơn 36.000 nhà yến, năm 2016 trên 60.000 nhà yến. Đến năm 2018 con số này là 120.000 nhà yến. Nhiều chủ nhà yến ít kiến thức và kinh nghiệm nên 80% nhà yến ở Malaysia chỉ thu dưới 2kg tổ yến/năm. Tỷ lệ nuôi yến thành công ở Malaysia chỉ chiếm 1/3. Với sản lượng khoảng 500 tấn/năm, thị trường nội địa của Malaysia không thể tiêu thụ hết lượng yến thu hoạch hàng năm, trong khi chỉ có 50 tấn tổ yến được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, thị trường tiêu thụ chính và lớn nhất tổ yến của các nước vùng Đông Nam Á. Số tổ yến hàng hóa còn lại chuyển qua Việt Nam để bán tiểu ngạch sang Trung Quốc. Nhưng sau 2 đợt kiểm tra của Tổng Cục Hải quan Trung Quốc vào tháng 4 và tháng 9-2019, đường dây này đã bị triệt phá,  khiến cho giá tổ yến tại Malaysia sụt giảm mạnh, ảnh hưởng nặng đến thu nhập các chủ nhà yến và các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh yến tại Malaysia.

MUỐN ĐI XA PHẢI ĐI CÙNG NHAU

Năm 2011, Trung Quốc phát hiện yến huyết nhập khẩu từ Malaysia có hàm lượng Nitrit vượt tiêu chuẩn và tỷ lệ không đạt tiêu chuẩn lên đến 100%. Vì vậy, toàn bộ tổ yến Malaysia bị cấm nhập vào Trung Quốc và bị loại khỏi kệ hàng. Giá tổ yến Malaysia giảm mạnh, chỉ còn 300USD/kg tổ yến nguyên liệu so với trước đó 1.900USD/kg.

Cú sốc này buộc Chính phủ Malaysia phải nhanh chóng đàm phán với Trung Quốc để ký nghị định thư giữa 2 chính phủ vào năm 2012. Ngay khi trở thành quốc gia đầu tiên ký nghị định thư với Trung Quốc (trước cả Indonesia và Thái Lan) để được xuất khẩu chính ngạch, giá tổ yến nguyên liệu tăng lên 700USD/kg, giá yến sạch lên đến 2.000USD/kg. Điều đáng nói là 33 công ty của Malaysia được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nhưng chỉ có 2.096 nhà yến tuân thủ quy định pháp luật (tương đương 50/500 tấn tổ yến/năm) đã đẩy ngành yến Malaysia vào khó khăn lần thứ hai. Ngoài một số xuất vào các lãnh thổ Đài Loan, Hồng Kông, đại đa số còn lại là xuất khẩu chui vào Trung Quốc.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam và Trung Quốc đang trong quá trình đàm phán để ký nghị định thư. Thời gian này, ngành yến Việt Nam, cụ thể là Chi hội Nhà yến Việt Nam (thuộc Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam) và Hiệp hội Yến sào Việt Nam cần đoàn kết, hợp tác để cùng Bộ NN-PTNT xây dựng cho được chuỗi liên kết cho ngành yến để xuất khẩu. Dự kiến cuối quý 4-2019 phía Trung Quốc sẽ cử đoàn thanh tra sang Việt Nam sau khi Bộ NN-PTNT gửi hồ sơ đăng ký xuất khẩu yến sào Việt Nam cho Tổng Cục Hải quan Trung Quốc. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT phối hợp với Chi hội Nhà yến Việt Nam và Hiệp hội Yến sào Việt Nam rà soát, đánh giá và chuẩn bị trước hồ sơ; các hiệp hội ngành yến phối hợp với đơn vị chức năng triển khai chương trình quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, cũng như xây dựng Trung tâm sơ chế yến sào và Trung tâm kiểm định chất lượng yến sào.

Trước đó, Công ty Tập đoàn Yến sào Việt Nam (Thuộc Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam) đã ký hợp đồng ghi nhớ với Công ty Đông Nam Yến Đô, Hạ Môn (Trung Quốc) để xuất khẩu sang Trung Quốc khi thị trường được mở cửa chính ngạch. Theo Chi hội Nhà yến Việt Nam, muốn xây dựng thương hiệu yến sào Việt Nam đủ tầm vươn ra thị trường quốc tế, xâm nhập thị trường Trung Quốc, tạo uy tín ở các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Hàn Quốc, cộng đồng người Đông Á ở châu Âu, Mỹ và Canada thì việc tập hợp nguồn lực, xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị yến sào Việt Nam là cần thiết, tránh những sai lầm từ Malaysia.

Bà Đỗ Tú Quân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội Nhà yến Việt Nam, cho rằng, sự thành công của nhà yến không chỉ dựa vào kiến thức, kỹ thuật mà còn phải biết liên kết chặt chẽ. Khi một lỗi trong chuỗi liên kết bị có vấn đề sẽ ảnh hưởng đến cả ngành. Nếu như trước đây nghề nuôi yến chỉ dựa vào vận may, thì ngày nay, xây dựng nhà phải xem xét có yến một cách khoa học, phải xem nơi đó yến có làm tổ không. Khi đã có tổ còn phải biết kỹ thuật để đạt chuẩn xuất khẩu, bán được giá cao. Đây là điểm mà không phải nhà yến nào cũng biết.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nếu không được tổ chức chặt chẽ, không tạo ra được chuỗi liên kết, không “cùng hội cùng thuyền” sẽ thất bại. Người xưa đã đúc kết kinh nghiệm, muốn đi nhanh phải đi một mình, nhưng muốn đi xa thì phải đi cùng nhau.

Tổng hợp theo CÔNG PHIÊN - Báo 24/7

Đã thông báo Bộ Công Thương
 
>